Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Bài 4
Không gì quý bằng tình thân

Đầu năm 2008, người dân ở xã Long An, TP. Mỹ Tho phát hiện một bé gái sơ sinh nằm trong túi nilon bên vệ đường và đau đớn thay, em đã chết trước khi được người qua đường phát hiện. Chứng kiến cái chết thương tâm của những mầm non vô tội vị vứt bỏ khi vừa mới lọt lòng mẹ thì không ai không chạnh lòng thương xót, không ai không lên án hành động phi nhân tính của những người cha, người mẹ nhẫn tâm. Đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi may mắn được phát hiện và cứu sống thì dù được chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương nhưng trong sâu thẩm trong tâm hồn các em chắc chắn vẫn có một nỗi muộn phiền. Thế nên hành động bỏ rơi con là hành động khó có thể chấp nhận.

Box 1: ĐẠI ĐỨC THÍCH BỔN CHÁNH, PHÓ TRỤ TRÌ CHÙA KIM PHƯỚC:
Sống thử là hành động nông nỗi của người trẻ trong tình yêu và dễ dàng đưa đến những kết cục đau lòng. Trong đó có chuyện mang thai ngoài ý muốn, phá thai và bỏ rơi con. Hành động bỏ rơi trẻ sơ sinh là điều không nên, đặc biệt hành động bỏ trẻ nơi không an toàn là đáng phê phán. Hôm đầu năm, tôi đã giúp kết lại mối tình mẫu tử của 2 mẹ con. Đó là trường hợp một cô sinh viên năm 2 của một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Cô bé lỡ mang thai vô thừa nhận nên có ý định phá thai nhưng ngặt nỗi thai quá lớn, ko thể thực hiện được. Qua một người quen biết, thầy đã động viên cô gái cố gắng mang thai cho đến ngày sinh nở, đừng làm chuyện tội lỗi cướp mạng sống của con thơ. Cô gái nghe theo và sinh ra một bé trai, sau đó mang đến cho chùa. Nghĩ rằng khi mẹ con gần gũi, tình mẫu tử sẽ giúp cô gái thay đổi ý định. Thế nên tôi động viên cô ở lại chăm con thêm vài tháng cho đứa bé cứng cáp với thù lao 1,5 triệu đồng mỗi tháng cho việc làm đó. Được 3 tháng, cô gái khóc và nói “Con thương con lắm, con không muốn bỏ con của mình, nhờ thầy xin với cha mẹ giúp con”. Thế rồi tôi đã tìm đến quê nhà cô gái, vận động gia đình và cuối cùng đứa bé đã được chấp nhận. Cô gái vừa giữ được con thơ vừa có thể trở lại trường tiếp tục việc học. Đây là một kết cục đáng mừng.

Box 2: NI SƯ THÍCH NỮ TỊNH NGHIÊM, TRƯỞNG BAN TỪ THIỆN XÃ HỘI PHẬT GIÁO TỈNH:
Những người phụ nữ bỏ rơi con có thể thông cảm ở chổ họ rơi vào hoàn cảnh bế tắt. Tuy nhiên khi họ giải quyết bế tắt bằng hành động bỏ rơi con ở nơi không an toàn thì đây là hành động thiếu tình người, thật đáng trách. Bởi vì trẻ em là sinh linh bé bỏng chưa thể tự bảo vệ mình, nên rất dễ bị tổn thương thậm chí mất mạng do những tác nhân bên ngoài. Mong rằng phụ nữ trót lỡ lầm mang thai thì hãy gắng sinh con và nuôi dưỡng con mình, đừng trốn tránh trách nhiệm khi đã tạo ra bé. Trường hợp quá khó khăn không thể nuôi con thì nên chọn cơ sở xã hội tốt để gửi gắm. Vì như vậy là cho bé có cơ hội sống sót và trưởng thành đàng hoàn.
Box 3 : BÀ NGUYỄN THỊ MỸ CHÂU, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH:
Con vật còn biết thương con chứ nói gì con người. Tôi nghĩ rằng không người mẹ nào thật tâm muốn bỏ rơi con mình đâu. Có thể khi gặp hoàn cảnh éo le nan giải nào đó họ đã hành động nông nỗi. Tôi tin rằng khi bình tâm lại họ sẽ ân hận, rai rức cho đến cả cuộc đời. Do đó, tôi hy vọng chị em phụ nữ nếu không muốn mang thai thì nên thực hiện biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả. Nếu đã lỡ mang thai ngoài ý muốn thì hãy cố gắng để sinh nở và nuôi dưỡng con mình, cho bé được niềm hạnh phúc đơn giản nhất là có mẹ yêu thương. Trong quá trình mang thai, nuôi con nhỏ không có chồng và người thân hỗ trợ chắc chắn chị em sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng hãy mạnh mẽ lên và kêu gọi sự trợ giúp từ người thân, cộng đồng và nhà nước. Hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo đơn thân nuôi con nhỏ. Một mình mang thai và nuôi con không có gì đáng phải xấu hỗ. Đừng hành động nông nỗi rồi ân hận suốt đời.
THỦY HÀ

Chú thích ảnh :
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang được chăm sóc, nuôi dưỡng hai trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn TP. Mỹ Tho vào tháng 9-2014. Trong thời gian 1 tháng nếu không có thân nhân đến nhận, trung tâm sẽ ra quyết định bảo trợ bé và thực hiện các qui định bảo trợ mà thân nhân không được quyền thắc mắc về sau.


Bài 3:
Mái ấm cho trẻ lạc loài
Hiện nay Tiền Giang có 3 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có qui mô lớn. Đó là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Cơ sở bảo trợ xã hội mái ấm Kim Phước và chùa Tịnh Nghiêm. Ngoài ra cón có gần 400 gia đình, tổ chức, cơ sở tôn giáo cảm thương hoàn cảnh của những đứa trẻ cút côi nên đã nhận các em về nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng. Phần lớn các em được chăm sóc, nuôi dưỡng khá chu đáo nên hòa nhập tốt vào cộng đồng.
Về chốn an bình
Trung tâm công tác xã hội là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa, trẻ em bị xâm hại.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện tại Trung tâm đang nuôi dưỡng 13 trẻ em bị bỏ rơi, tại đây các em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục. Trẻ em đến tuổi đi học đều được đưa đến học tại các trường trên địa bàn. Trung tâm còn trợ cấp, nuôi dưỡng và tạo điều kiện để các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ được tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề và hỗ trợ giới thiệu việc làm để khi hòa nhập cộng đồng các em có cuộc sống ổn định. Riêng những năm gần đây, thực hiện quy định của Nhà nước, đối tượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được giải quyết cho gia đình nuôi thay thế. Những gia đình trung tâm chọn gửi gắm các em đều được tìm hiểu kỹ về nhân thân cha mẹ nuôi cũng như điều kiện kinh tế đảm bảo đủ khả năng nuôi dưỡng bé. Sau khi chuyển bé cho gia đình nuôi thay thế, trung tâm có sự giám sát kỹ. Qua giám sát, các em được cha mẹ nuôi chăm sóc, yêu thương và không phát hiện trường hợp nào bị ngược đãi hay xâm hại.
Cùng với chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, cánh cửa chùa cũng rộng mở đón các em nhỏ bơ vơ. Chùa Tịnh Nghiêm, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho là một trong những nơi như vậy. Từ lúc lập chùa năm 1982 đến nay, có trên 20 trẻ em bị bỏ rơi được chùa nuôi nấng trưởng thành bằng tình thương và sự từ tâm của các sư cô. Tất cả trẻ mồ côi, bị bỏ rơi do chùa nuôi dưỡng đều được đến lớp đàng hoàn như trẻ em cùng trang lứa. Theo qui định của chùa, khi đủ 18 tuổi, các em được phép rời chùa trở về cộng đồng nếu không muốn xuất gia. Từ sự chăm sóc, dạy bảo của chùa, nhiều em đã lớn khôn, trưởng thành và thành đạt cao trong xã hội.
Mái ấm Kim Phước là cơ sở bảo trợ xã hội được chùa Kim Phước, ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy lập cách nay hơn 8 năm. Việc thành lập mái ấm này xuất phát từ cái tâm của đại đức Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa. Cảm thương những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, sư thầy đón các cụ về chăm sóc, phụng dưỡng. Dần dà, tiếng lành đồn xa, đối tượng đến xin nương nhờ cửa chùa ngày càng nhiều. Thế rồi, cách nay 4 năm chùa lại đón nhận thêm những trẻ em bị bỏ rơi. Tháng 7-2012, mái ấm này được UBND huyện Cai Lậy cấp phép hoạt động với tên “Cơ sở bảo trợ xã hội mái ấm Kim Phước”.  Hiện tại, mái ấm này đang nuôi dưỡng 89 người, trong đó có 14 trẻ em, bao gồm 6 trẻ mồ côi và 8 trẻ bị bỏ rơi.
Được cán bộ trung tâm Công tác xã hội và các sư cô, sư thầy chăm sóc, yêu thương như con cháu nên đã giúp những trẻ em lạc loài tình thân tìm thấy hạnh phúc đầm ấm. Bé Pháp Trí, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho là 1 trong những cô nhi đang được chùa Tịnh Nghiêm nuôi dưỡng. Hàng ngày được sư cô đưa đến cổng trường, Pháp Trí tung tăn dắt 2 chú tiểu khác (cũng là cô nhi tại chùa) lên lớp. Cậu bé vui vẻ: “Cũng như các bạn, con có anh chị mà cũng có em nữa. Con có tới 3 đứa em, ngoài 2 em này con còn 1 em gái đang ở chùa. Các bạn có cha mẹ, ông bà thì ở chùa con được sư bà và các sư cô thương, đâu có gì phải buồn nữa”.
Trưởng thành từ mái ấm
Các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh luôn cố gắng bù đắp cho những trẻ em lạc loài tình thương gia đình. Cho các em được hưởng hạnh phúc đầm ấm của một gia đình yêu thương thật sự. Từ đó giúp các em vượt qua mặc cảm cút côi mà nỗ lực vươn lên với đời. Đã có rất nhiều, rất nhiều em trưởng thành và tìm thấy hạnh phúc từ sự vun vén yêu thương của cộng đồng và nghị lực của chính bản thân.
T. là một trong số những trẻ em trưởng thành từ mái ấm. Cô là một trong những trẻ em mồ côi đầu tiên được chùa Tịnh Nghiêm nhận về nuôi dưỡng hơn 30 năm trước. Sau khi tròn 18 tuổi, T. không xuất gia mà mong muốn được hoàn tục. T. học hành chăm chỉ và đạt thành tích cao trong học tập và trở thành cán bộ năng động của Cảng vụ Mỹ Tho. Điều đáng trân trọng ở T. không chỉ là nghị lực vượt khó mà còn ở tình thương của cô đối với những trẻ em cùng cảnh ngộ. Cô đã dành phần lớn thu nhập của mình để nuôi dưỡng và trợ giúp trẻ em mồ côi tại các cơ sở xã hội. Hiện tại, T. là người cung cấp tài chính để nuôi dưỡng bé gái vừa bị bỏ rơi tại chùa Tịnh Nghiêm 6 tháng trước.
Cũng là trẻ em trưởng thành từ mái ấm, còn có những tấm gương vượt khó như thầy Tuấn _ giáo viên trường Trung cấp Nghề Tiền Giang; cô Phương – giáo viên trường Tiểu học Âu Dương Lân, TP. Mỹ Tho… Được biết, tất cả những trẻ mồ côi trưởng thành từ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện tại đều có việc làm ổn định, nhiều em đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Dự, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH là người có kinh nghiệm trong chuyện “ngồi sui”. Nguyên là Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhiều năm, ông Dự được nhiều chàng trai, cô gái trưởng thành từ trung tâm kính trọng như cha. Thế nên khi họ lập gia thất thì ông Dự được mời đi “ngồi sui”. Khi làm sui trai đi hỏi vợ cho con, khi thì gả chồng cho con gái. Tính đến nay ông đã “ngồi sui” hơn chục đám như vậy.
Cười vui, ông Dự chia sẻ: “Tháng trước tôi mới ra Bình Dương cưới vợ cho thằng Tý. Nó học trung cấp nghề rồi đi làm cho công ty của Nhật ở Bình Dương. Có người thương nhưng nhà gái yêu cầu phải có người lớn đến nói chuyện mới thuận gả con. Vậy là nó quay về Trung tâm nhờ tôi với cô Châu lên giáp mặt nhà gái, sau đó thì làm chủ hôn đám cưới. Sáng hôm qua nó mới dẫn vợ về Trung tâm ra mắt bà con bên chồng (cán bộ và trại viên trung tâm). Giờ tôi có cả chục sui rồi đó. Từ Nha Trang vô tới Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, nơi nào cũng có sui gia. Không phải mình ham làm sui, nhưng trong sự kiện quan trọng cuộc đời, có người lớn đứng làm chủ hôn mấy đứa nhỏ đỡ mũi lòng. Mong sao mấy đứa nhỏ có mái ấm hạnh phúc của riêng mình”.
Thiệt thòi không có được hơi ấm yêu thương từ các đấng sinh thành nhưng từ tình thương yêu của người xung quanh, nhiều trẻ mồ côi đã nên người hữu ích. Đó là niềm vui của những người giàu lòng từ tâm chốn cửa thiền, là hạnh phúc của các cán bộ công tác tại cơ sở bảo trợ xã hội và của những trái tim yêu trẻ trong cộng đồng.
THỦY HÀ

Chú thích ảnh:
Được nuôi dưỡng và chăm sóc bằng tinh thương, trẻ cút côi sẽ trưởng thành hoàn thiện cả về nhân cách và thể chất


Bài 2: Vì đâu nên nỗi

Dưới gầm trời này không có một thứ tình cảm nào thiên liêng, cao quý như tình mẹ với con. Nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ngợi ca tình mẹ. Tình thương mà mẹ dành cho con sánh như trời cao biển rộng nên dù “con đi cuối biển, cùng trời cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Vậy thì tại sao lại có những đứa trẻ lạc loài tình mẫu tử?
Bỏ con vì trót lỡ lầm
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng buông ra câu “Không chồng mà chửa mới ngoan; Có chồng mà chửa thế gian chuyện thường” như một sự phản kháng lại với định kiến khắc nghiệt của xã hội phong kiến đối với những cô gái lỡ lầm. Cuộc sống hiện đại không quá nghiệt ngã nhưng chuyện “không chồng mà chửa” miệng đời vẫn còn gay gắt. Thế nên nhiều cô gái lỡ mang thai ngoài hôn nhân đã phải hành động nông nỗi vì không thể vượt qua dư luận thế gian. Danh L. N, sinh viên năm nhất của một trường tại TP. Cần Thơ là một trường hợp.
L.N là cô gái khá xinh xắn vừa rời tỉnh lẻ ra thành phố, môi trường mới với bao nhiêu điều lạ lẫm với một cô gái mới lớn. Cảm giác trống trải của cô gái trẻ xa nhà đã nhanh chóng đẩy cô đến với mối tình sinh viên nóng bỏng. L.N và bạn trai đã góp gạo thổi cơm chung, sống cuộc sống như vợ chồng. Do không có kiến thức phòng tránh thai đúng cách nên L.N đã mang thai khi còn đang ngồi ở ghế giảng đường. Người xưa thường nói, cái gì dễ có cũng dễ dàng ra đi. Khi biết L.N mang thai, người yêu của cô chẳng những không cùng chịu trách nhiệm mà lẵng lặng biệt tăm. Một mình ôm cái bào thai đã lớn, L.N không dám quay về quê. Bạn bè biết chuyện khuyên nhủ cô bé nên hủy bỏ cái thai trong bụng để tiện cho chuyện học hành và không làm xấu mặt gia đình. Nhưng ngặt nỗi cái thai đã quá lớn. Đến ngày sinh nở, L.N một mình đến Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy sinh con và rồi âm thầm nuốt nước mắt ra đi, bỏ lại con thơ đang khóc đòi sữa mẹ.
Không lâu trước đó, tôi từng gặp một cô gái trẻ với đôi mắt sưng vù, bế đứa con đỏ hỏn trên tay đến Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Cô gái không cho biết tên họ, quê quán mà chỉ khai đang là công nhân làm việc trong một khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Vì lỡ mang thai, sinh ra đứa con không được thừa nhận nên cô không thể nuôi con một mình. Cô gái xin được cho đi đứa con trai bé bỏng để có thể tiếp tục đi làm nuôi thân. Các cán bộ của trung tâm không thể tiếp nhận nên động viên cô gái đừng bỏ con mình vì không gì quý bằng tình thân ruột thịt. Bởi vì theo quy định trung tâm chỉ nhận nuôi những trường hợp trẻ không còn thân nhân, đằng này bé còn mẹ, còn ông bà. Thế là cô gái trẻ ôm con đi. Sau đó đứa bé được đưa trở lại trung tâm vì em đã bị mẹ bỏ lại ven một con đường làng của xã Tân Mỹ Chánh.
Nghèo không nuôi nỗi con thơ
Trong số những trường hợp tôi biết, có những người bỏ lại đàn con nheo nhóc chỉ vì gia cảnh quá túng quẩn. Họ đã sẵn sàng dứt áo ra đi, bỏ lại sau lưng họ đàn con nheo nhóc gọi mẹ, kêu cha.
P.T là một trong những trường hợp đó. Nhà nghèo, mẹ bỏ nhà ra đi, P.T ở cùng cha. Nhưng người cha ấy đã mang em đến chùa ký thác vì lý do “nghèo quá nuôi hổng nỗi”. Mất mẹ, xa cha, đến sống trong môi trường mới với tất cả xung quanh là những người xa lạ, những ngày đầu cậu bé như rơi tỏm xuống vực thẩm. Được các sư cô động viên, an ủi, chăm sóc chu đáo, P.T. đã dần hòa nhập nhưng cảm giác bị người thân bị bỏ rơi khó lòng khỏa lấp trong tâm hồn non trẻ của em.
Có điều P.T còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ cút côi khác. Tôi nhớ nhất trường hợp 4 anh em Nguyễn Châu Ngọc Quang (sn 2004), Nguyễn Châu Ngọc Sang (sn 2006), Nguyễn Châu Ngọc Trâm (sn 2009) và Nguyễn Châu Ngọc Hân (sn 2010). Bốn đứa bé là con của ông Nguyễn n Hùng, nhà ở đường Phan Thanh Giản, phường 3, TP. Mỹ Tho. Cả 4 em đều không có giấy khai sinh và cũng chẳng có hộ khẩu gì cả.
Theo những hàng xóm của các em thì bốn đứa trẻ này bị mẹ bỏ đi biệt tăm từ hơn 2 năm trước, lúc đó Ngọc Hân mới hơn 1 tuổi. Cha của các em làm nghề bốc vác, sáng đi tối về mà khi về tới nhà thì chỉ biết nhậu nhẹt, không hề ngó ngàng gì tới con cái. Thấy mấy đứa trẻ nheo nhóc, hàng xóm có gì cho nấy. Ăn không đủ no, 4 anh em dắt nhau ra lượm lặc thức ăn thừa lót dạ. Không được chăm sóc, dạy dỗ, bé Ngọc Hân dù đã gần 4 tuổi rồi nhưng vẫn chưa thể nói tròn được tiếng “dạ, thưa”. Thế là xóm chòm đã đến báo với Trung tâm công tác xã hội tỉnh, nhờ giúp đỡ.
  Không thể tưởng tượng được 4 đứa trẻ sống trong cảnh tượng tồi tàn như thế nào. Trong một căn nhà chưa đầy 12 m2 mà các em đang sống không hề có thứ vật dụng nào sạch sẽ, đàng hoàn. Chưa vào nhà, chỉ cần đến gần ngôi nhà người ta đã phải bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc từ trong căn nhà tỏa ra. Ngôi nhà không có nhà vệ sinh, mọi chuyện ngủ nghỉ, chơi đùa, ăn uống và cả tiểu tiện của các em đều ở trong 12 m2 đó. Quần áo bẩn thỉu, mặt mày lem luốc là hình ảnh thường nhật của cả 4 đứa trẻ này. Khi được cán bộ Trung tâm công tác xã hội tỉnh đến đón về nuôi dưỡng, các em thậm chí còn không có đủ áo quần để mặc.
Vì con là của nợ!
Con cái chào đời là niềm vui, là hạnh phúc tuyệt vời, là sự đón đợi của đấng sinh thành. Oái oăm thay, đôi khi có những đứa trẻ chào đời không đúng lúc thì với cha mẹ các em chính là của nợ, phải vứt bỏ. Thật là xót xa!
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó trưởng phòng công tác xã hội trẻ em, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh bức xúc vì không phải ai bỏ con cũng do hoàn cảnh thương tâm như nhà nghèo đói, bệnh tật hay lý do gì đó có thể thông cảm được. Chị Hằng nhớ hoài trường hợp một bé trai được một phụ nữ đứng tuổi, ăn mặc sang trọng bế đến trung tâm. Người phụ nữ ấy nằng nặc đòi bỏ lại đứa bé vì đây là cháu ngoại của bà. Bà cho biết gia đình bà thuộc hàng gia thế ở tỉnh Bến Tre nhưng nhà “vô phúc”, con gái của bà “trẻ người non dạ nên bị người ta dụ dỗ”. Không thể chấp nhận được chuyện xấu hỗ này nên gia đình quyết định phải cho đi đứa bé để mẹ của bé ‘rảnh tay’ đi lấy chồng. Bà ấy nói: “Mẹ nó sắp lấy chồng Việt kiều, không thể để nó lại được. Con gái  tôi trẻ đẹp, cuộc đời nó còn dài, tương lai tốt lành đang chờ nó ở phía trước. Tôi làm mẹ nên phải nghĩ cho tương lai của nó, không thể vì đứa nhỏ này mà để con tôi phải khổ... ”  Không được trung tâm tiếp nhận cháu ngoại, bà ấy ấy hằn học bỏ đi.
Chị Hằng xót xa : Dưới gầm trời này không gì quý giá, cao cả, thiêng liêng như tình mẫu tử. Trong xã hội đâu phải ai cũng khá giả, đủ đầy. Nhiều người mẹ, người cha nghèo đã dành tất cả cho con, từ chén cơm, miếng cá đến chiếc áo lành lặn còn bao nhiêu khổ cực, cay đắng họ ôm lấy cho mình. Vậy mà... Thật xót xa cho những đứa trẻ cút côi, vừa ra đời đã mất đi tình mẹ.
THỦY HÀ

Box : Bà Lê Trần Thu Thủy, Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Dân số - KHHGĐ: Hiện nay khoa học kỹ thuật tiến bộ hoàn toàn có thể trợ giúp người phụ nữ chủ động trong việc sinh hay không sinh con với hàng loạt biện pháp tránh thai hiệu quả, thuận tiện. Người phụ nữ chưa muốn sinh con có thể tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình một cách dễ dàng. Chỉ cần đến trạm y tế, bệnh viện hay phòng khám sản khoa tư nhân đều có cung cấp dịch vụ tránh thai; thậm chí dược sĩ của các hiệu thuốc tây cũng giới thiệu được phương pháp bảo vệ phụ nữ khỏi mang thai ngoài ý muốn. Phụ nữ chưa muốn sinh con thì hãy áp dụng biện pháp tránh thai. Hãy đừng để sinh con ngoài ý muốn và rồi làm cái điều tội lỗi là vứt bỏ bé.


Chú thích ảnh : Con trai của sản phụ khai tên là Nguyễn Ngọc Diễm, ngụ ấp Bình Tạo A, xã Trung An, TP. Mỹ Tho đã bỏ lại bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
TRẺ EM BỊ BỎ RƠI
Nhức nhối nỗi đau
Thống kê của ngành LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có gần 3.300 trẻ em mồ côi, trong đó 1.832 trẻ mồ côi cha, 979 trẻ mồ côi mẹ và gần 500 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Phần đông trong số những trẻ em mồ côi này là do bị cha, mẹ bỏ rơi hoặc cả cha mẹ bỏ rơi. Đau lòng thay khi có những em đã bị chính từ mẫu của mình vứt bỏ đi ngay khi vừa lọt lòng mẹ mà không hề quan tâm đến sự sống chết của con mình. Các em phải sống nương nhờ vào tình thương của họ hàng, lối xóm, chùa chiền hay sự trợ giúp của trung tâm bảo trợ xã hội.


Bài 1: Mẹ ơi đừng bỏ rơi con!
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh có đến 6 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, tăng đột biến so với các năm trước. Đây là tình trạng đáng báo động về đạo đức và lối sống trong xã hội.
Trốn viện bỏ con
Đến bệnh viện, sinh con sau đó lặng lẽ bỏ đi là tình trạng thường gặp nhất của những trường hợp trẻ bị bỏ rơi. Thông thường, những sản phụ ấy không khai thật tên họ và địa chỉ, không xuất trình giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục nhập viện. Để rồi sau khi sinh con xong họ lặng lẽ ra đi.
Còn nhớ cách nay vài năm, chỉ trong vòng 4 ngày, tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang có đến 2 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đó là trường hợp một phụ nữ ngoài 40 tuổi, được một thanh niên trẻ đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang để khám “khối u”. Các bác sĩ phòng khám chẩn đoán chị ta đang chuyển dạ sinh nên làm thủ tục cho nhập viện. Đến 21 giờ, người phụ nữ ấy sinh được một bé trai nặng 2,5kg. Thế rồi người mẹ ấy đã biệt tăm khi trời chưa kịp sáng. Cả bệnh viện đổ đi tìm mẹ cho đứa trẻ sơ sinh đang khát sữa, nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy mẹ của em. Tra lại hồ sơ, người phụ nữ ấy khai tên Nguyễn Thị Vân, 44 tuổi, nhà ở ấp Long Hòa A, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo, đã có chồng và 4 con. Bốn ngày sau, một sản phụ trẻ khai tên là Nguyễn Thị Hồng Phượng, 23 tuổi, ở ấp Bình Thạnh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy vào Bệnh viện để sinh con và sinh được bé trai cân nặng 2kg. Ở với con được một ngày, cô ấy đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại múm ruột đang khát khao hơi ấm và tình thương của mẹ. Bệnh viện đã liên hệ nhiều lần với gia đình của bé theo địa chỉ của mẹ nhưng các gia đình này đều cho rằng thân nhân của họ không hề sinh con. Sau đó chúng tôi nhờ UBND xã Tam Bình và Phòng LĐ-TB-XH huyện Chợ Gạo tìm giúp thân nhân cho bé nhưng vẫn không tìm được.
 Mới đây nhất là vào ngày 1- 9, một thai phụ ngoài 20 tuổi, ăn mặc sạch sẽ, được một thanh niên trẻ đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang để sinh con. Thai phụ này không mang theo bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào và khai tên Nguyễn Ngọc Diễm, ngụ ấp Bình Tạo A, xã Trung An, TP. Mỹ Tho. Bác sĩ Trần Thị Hà, khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang cho biết sản phụ này sinh con so, bé trai cân nặng 2,8kg. Thế rồi sau mấy ngày nằm viện, người mẹ ấy đã biệt tăm. Bệnh viện đã phối hợp cùng công an phường 1, TP. Mỹ Tho liên hệ tìm thân nhân của bé nhưng xã Trung An xác định tại địa chỉ trên không có người tên Nguyễn Ngọc Diễm. Bác sĩ Hà cho biết thêm, khoảng đầu năm 2014, cũng có 1 sản phụ trốn viện bỏ lại con.
Ký thác trước cửa thiền
Theo văn hóa Á Đông, mái chùa là nơi gửi gắm nỗi niềm của nhiều người con phật. Và đây cũng là nơi rất nhiều người ký thác cả những đứa con mà họ đứt ruột sinh ra. Một buổi sáng giữa tháng 4 âm lịch, các sư cô chùa Tịnh Nghiêm, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho vì phát hiện một bé gái được đặt trên băng đá trong khuôn viên chùa. Không quá bất ngờ vì đây không phải là lần đầu tiên các sư cô tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi kể từ khi ngôi chùa này thành lập năm 1982 đến nay. Sau khi báo cơ quan chức năng và thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn không có ai đến nhận, các sư cô đã làm thủ tục khai sinh cho bé.
Cũng như vậy, 4 tháng trước, chùa Kim Phước, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy cũng phát hiện một bé trai được đặt dưới chân tượng Quan Thế Âm trong khuôn viên chùa. Đại đức Thích Bổn Chánh, Phó Trụ trì cho biết, đây là bé thứ 5 bị bỏ trong khuôn viên chùa kể từ 4 năm qua. Bé đầu tiên đến chùa cũng vào lúc chập choạng tối 4 năm trước. Lúc đó “Tôi đang đi dạo kiểm tra công việc trong khuôn viên chùa thì nghe tiếng trẻ em khóc, sau đó thì phát hiện bé trai sơ sinh. Tôi đã báo với cơ quan chức năng ở địa phương và thông tin rộng rải nhưng không có ai đến nhận. Thế là chùa nuôi bé và làm thủ tục khai sinh, đặt tên cho bé là Minh Phúc với hy vọng cuộc đời bé sau này sẽ luôn gặp được phúc ấm”_ Đại đức Thích Bổn Chánh cho biết.
Vứt con giữa chợ
Rạng sáng ngày 11-9, tiểu thương chợ Hàng Còng (phường 4, TP.Mỹ Tho),  tá hỏa khi phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi.
Anh Hà Quang Minh, tiểu thương chợ Hàng Còng cho biết: “Khoảng 22 giờ ngày 10-9, khi ra dọn sạp tôi phát hiện có một túi để trên sạp của mình, nhìn phía xa thấy một phụ nữ đang đứng gọi điện thoại. Nghĩ là khách đi chùa gần đó để nhờ nên không xem. Đến gần 5 giờ sáng 11-9, khi vợ tôi ra dọn hàng vẫn thấy túi để đó nên đem máng sang sạp thịt kế bên. Sau đó do sợ khách trở lại tìm không thấy túi nên mang trở lại sạp của mình. Thấy túi nặng, vợ tôi mở ra xem thì giật mình khi phát hiện một bé sơ sinh không quần áo nằm co ro trong chiếc túi nilon. Các tiểu thương khác nghe vợ tôi hô hoán nên xúm lại. Thấy bé còn sống nên người cho quần áo, người cho sữa. Chúng tôi báo cho công an phường và chuyển bé đến Bệnh viện Phụ Sản Tiền Giang nhờ nuôi giúp.”
Theo bác sĩ CKI Đặng Thanh Nga, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, vào 5giờ 30 phút sáng 11-9, bệnh viện tiếp nhận bé từ anh Lê Văn Sáng, công an phường 4. Khám ban đầu cho biết bé gái cân nặng 3,6 kg, sinh đủ tháng, sinh thường, cuốn rốn không được cắt mà bị bứt đứt. Bệnh viện nuôi dưỡng, chăm sóc bé tại khu dưỡng nhi và đã làm thủ tục chuyển bé đến Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Hiện tại sức khỏe của bé bình thường.
Quyền được sống còn là một trong 4 nhóm quyền của trẻ em được qui định tại Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước này. Bỏ rơi  con là 1 trong những hành vi bị nghiêm cấm theo qui định của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Trẻ em là những sinh linh bé bỏng hoàn toàn vô tội, đừng để con trẻ phải gánh chịu nỗi đau chỉ vì lỗi lầm, nông nỗi của người lớn.

Box 1: Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH: “Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã có 6 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Những năm gần đây tình hình bỏ rơi trẻ em ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội. Đã đến lúc tình trạng bỏ rơi trẻ em cần phải báo động. Gặp những trường hợp này chúng tôi rất khó giải quyết vì Trung tâm công tác xã hội tỉnh hiện nay vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhân lực nên việc chăm sóc trẻ sơ sinh rất khó khăn. Chỉ riêng về kinh phí, hiện mức chi của nhà nước cho 1 đối tượng bảo trợ xã hội tại trung tâm là 1 triệu đồng, nhưng tiền sữa cho một trẻ sơ sinh tốn ít nhất 2,8 triệu đồng”.


Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Cái bóng sẽ biến mất!

Có bao giờ bạn thấy lòng buồn hiu hắt?
Tôi không hiểu
Một kết cục mà ngay từ khi mọi thứ bắt đầu mình đã biết và đã chuẩn bị để đón nhận. Vậy mà hôm nay vẫn thấy trong lòng trống vắng. Trống vắng đến kỳ lạ.
Mọi thứ đều có điểm bắt đầu và kết thúc.
Ngày hôm qua đã là dĩ vãng.
Ngày hôm nay sắp kết thúc
Ngày mai chưa bắt đầu.

Mình đã quá mệt mỏi khi làm một chiếc bóng.
Ngày mai cái bóng sẽ chết để một cơ thể sống hình thành.